- Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng trường
Vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng trường được quy định cụ thể tại Điều 16 Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018.
a) Vị trí của Hội đồng trường: Hội đồng trường là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan của Trường.
b) Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng trường:
– Quyết định về chiến lược, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn và kế hoạch hoạt động hằng năm của Trường;
– Ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động, Quy chế tài chính, Quy chế dân chủ cơ sở trong hoạt động của Trường phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học và quy định khác của pháp luật có liên quan;
– Quyết định phương hướng tuyển sinh, mở ngành, đào tạo, liên kết đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế; quyết định chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục đại học, hợp tác giữa Trường với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động;
– Quyết định về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia tách, đổi tên, giải thể các đơn vị của Trường. Ban hành danh mục vị trí việc làm, tiêu chuẩn và điều kiện làm việc của từng vị trí sau khi được Giám đốc Đại học Huế phê duyệt Đề án vị trí việc làm; quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức, người lao động phù hợp với quy định của pháp luật và Đại học Huế;
– Quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm Hiệu trưởng; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Hiệu trưởng trên cơ sở đề nghị của Hiệu trưởng sau khi có văn bản hiệp y của Ban Thường vụ Đảng uỷ Đại học Huế; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Thư ký Hội đồng trường; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Kế toán trưởng của Trường trên cơ sở đề xuất của Hiệu trưởng sau khi được Giám đốc Đại học Huế phê duyệt chủ trương; tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động hằng năm của Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng; lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng và các chức danh quản lý do Hội đồng trường bổ nhiệm vào giữa nhiệm kỳ hoặc đột xuất theo quy định của pháp luật, Quy chế này và theo các quy định do Hội đồng trường ban hành;
– Quyết định chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển Trường, chính sách học phí, hỗ trợ người học; phê duyệt kế hoạch tài chính; thông qua báo cáo tài chính hằng năm, báo cáo quyết toán kinh phí đối với các nguồn thu hợp pháp của Trường; quyết định chủ trương đầu tư và sử dụng tài sản có giá trị lớn thuộc thẩm quyền của Trường; quyết định chính sách tiền lương, thưởng, quyền lợi khác của chức danh lãnh đạo, quản lý Trường theo kết quả, hiệu quả công việc và vấn đề khác theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường;
– Giám sát việc thực hiện các quyết nghị của Hội đồng trường, việc tuân thủ pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của Trường và trách nhiệm giải trình của Hiệu trưởng; giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Trường; báo cáo hằng năm trước hội nghị toàn thể viên chức người lao động của Trường về kết quả giám sát và kết quả hoạt động của Hội đồng trường;
– Tuân thủ pháp luật; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan quản lý có thẩm quyền và các bên liên quan về các quyết nghị của Hội đồng trường; thực hiện công khai, minh bạch thông tin, chế độ báo cáo; chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền; thực hiện trách nhiệm giải trình trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng trường; chịu sự giám sát của xã hội, cá nhân và tổ chức trong Trường;
– Thực hiện trách nhiệm và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật, Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường.
- Số lượng, cơ cấu và thành phần của Hội đồng trường
a) Việc thành lập Hội đồng trường, bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường được thực hiện theo Điều 16 của Luật số 34/2018/QH14, Điều 7 của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật số 34/2018/QH14 và Điều 17 Quy định công nhận, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, luân chuyển và chế độ phụ cấp chức vụ đối với viên chức quản lý tại Đại học Huế ban hành theo Quyết định số 06/QĐ-HĐĐH ngày 19 tháng 01 năm 2021 của Hội đồng Đại học Huế (viết tắt là Quyết định số 06/QĐ-HĐĐH).
b) Số lượng thành viên Hội đồng trường phải là số lẻ, tối thiểu là 15 người. Hội đồng trường có Chủ tịch Hội đồng (Chủ tịch), Phó chủ tịch Hội đồng trường (Phó Chủ tịch), Thư ký Hội đồng trường (Thư ký), Thường trực Hội đồng trường (Thường trực hội đồng), Ban chuyên môn (Ban), các thành viên hội đồng (thành viên).
c) Thành viên gồm các thành viên trong Trường và các thành viên ngoài Trường.
– Thành viên đương nhiên bao gồm Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường, đại diện Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Trường là người học.
– Thành viên bầu bởi hội nghị toàn thể của Trường bao gồm đại diện giảng viên chiếm tỷ lệ tối thiểu là 25% tổng số thành viên của Hội đồng trường; đại diện viên chức và người lao động.
– Thành viên ngoài Trường chiếm tỷ lệ tối thiểu 30% tổng số thành viên, bao gồm đại diện của cơ quan quản lý có thẩm quyền; đại diện của cộng đồng xã hội do hội nghị toàn thể của Trường bầu.
d) Nhiệm kỳ của Hội đồng trường là 05 năm.
3. Chủ tịch Hội đồng trường, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Thư ký Hội đồng trường và Thành viên của Hội đồng trường
a) Chủ tịch Hội đồng trường
– Tiêu chuẩn, việc bầu Chủ tịch Hội đồng trường và trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng trường thực hiện theo Khoản 4, Điều 16, Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018.
– Chủ tịch Hội đồng trường là người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có uy tín, là giảng viên và có trình độ tiến sĩ, có ít nhất 05 năm kinh nghiệm quản lý từ cấp trưởng khoa, phòng hoặc tương đương trở lên, có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; độ tuổi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường theo quy định của pháp luật; đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn khác theo quy định của Đại học Huế.
– Chủ tịch Hội đồng trường được bầu trong số thành viên của Hội đồng trường theo nguyên tắc đa số, bỏ phiếu kín và được Hội đồng Đại học Huế ra quyết định công nhận; trường hợp thành viên ngoài trường trúng cử Chủ tịch Hội đồng trường thì phải trở thành cán bộ cơ hữu của Trường.
– Chủ tịch Hội đồng trường không kiêm nhiệm các chức vụ quản lý trong Trường, được hưởng phụ cấp chức vụ theo quy định.
– Nhiệm kỳ của Chủ tịch Hội đồng trường theo nhiệm kỳ của Hội đồng trường và có thể được bổ nhiệm lại nhưng không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
b) Phó Chủ tịch Hội đồng trường
– Phó Chủ tịch Hội đồng trường do Chủ tịch Hội đồng trường giới thiệu trong số thành viên của Hội đồng trường, không phải là Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng. Tiêu chuẩn của Phó Chủ tịch Hội đồng trường tương tự tiêu chuẩn của Chủ tịch Hội đồng trường.
– Phó Chủ tịch Hội đồng trường được bầu trong số thành viên của Hội đồng trường theo nguyên tắc đa số, bỏ phiếu kín, người trúng cử phải được trên 50% số thành viên Hội đồng trường bỏ phiếu đồng ý và được Hội đồng Đại học Huế ra quyết định công nhận; trường hợp thành viên ngoài trường trúng cử Phó Chủ tịch Hội đồng trường thì phải trở thành cán bộ cơ hữu của Trường.
– Phó Chủ tịch Hội đồng trường làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, được hưởng phụ cấp theo quy định.
– Phó Chủ tịch Hội đồng trường là người tham mưu, giúp Chủ tịch Hội đồng trường trong việc quản lý và điều hành các hoạt động của Hội đồng trường theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng trường.
c) Thư ký Hội đồng trường
– Thư ký do Chủ tịch Hội đồng trường giới thiệu trong số thành viên Hội đồng trường và bổ nhiệm khi được Hội đồng trường biểu quyết với trên 50% tổng số thành viên theo danh sách của Hội đồng trường đồng ý.
– Thư ký có trình độ thạc sĩ trở lên và đã được bổ nhiệm, hưởng chế độ phụ cấp chức vụ theo quy định.
– Thư ký là người giúp việc cho Chủ tịch và Hội đồng trường.
d) Thành viên Hội đồng trường
– Thành viên Hội đồng trường có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng trường, nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng trường phân công và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật, Quy chế hoạt động của Hội đồng trường; tham gia đầy đủ các phiên họp Hội đồng trường; chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình.
– Thành viên đại diện Đại học Huế còn phải thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo Quyết định số 74/QĐ-HĐĐH ngày 16 tháng 11 năm 2020 về quy định hoạt động của viên chức đại diện Đại học Huế tham gia hội đồng trường tại các trường thành viên Đại học Huế;
đ) Thường trực Hội đồng Trường
Thường trực Hội đồng trường gồm: Chủ tịch Hội đồng trường, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng, Thư ký Hội đồng trường, trưởng các ban của Hội đồng trường.
e) Các Ban của Hội đồng trường
– Hội đồng trường thành lập các ban để tư vấn, tham mưu cho Hội đồng trường trong các mảng công tác, giúp Hội đồng trường giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng trường.
– Số lượng và tên gọi các Ban của Hội đồng trường như sau: (1) Ban Tổ chức và Nhân sự; (2) Ban Tài chính và Tài sản; (3) Ban Đào tạo và Khoa học công nghệ; (4) Ban Kiểm soát.
g) Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng trường, Phó chủ tịch Hội đồng trường, Thư ký Hội đồng trường, Thường trực Hội đồng trường, Ban chuyên môn của Hội đồng trường, việc ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng trường thực hiện theo Quy chế hoạt động của Hội đồng trường và các quy định của pháp luật hiện hành.
4. Miễn nhiệm, thay thế, bổ sung thành viên Hội đồng trường
a) Hội đồng trường có trách nhiệm xem xét việc miễn nhiệm, thay thế, bổ sung thành viên Hội đồng trường và gửi hồ sơ đề nghị Hội đồng Đại học Huế quyết định. Hồ sơ gồm tờ trình nêu rõ lý do miễn nhiệm, thay thế cùng các văn bản và minh chứng liên quan.
b) Thủ tục thay thế, miễn nhiệm Chủ tịch và thành viên Hội đồng Trường được thực hiện theo Điều 7 của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 và Điều 17 Quyết định số 06/QĐ-HĐĐH.
5. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng trường
a) Nhiệm kỳ của Hội đồng trường là 05 năm.
b) Hội đồng Trường làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo của Đảng, tuân thủ các quy định của pháp luật, Quy chế Tổ chức và hoạt động của Trường; phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của thành viên Hội đồng trường; đảm bảo thực hiện sứ mạng, tầm nhìn, mục tiêu tổng quát, giá trị cốt lõi, triết lý giáo dục, chính sách đảm bảo chất lượng của Trường, lợi ích của các bên liên quan và cộng đồng xã hội;
c) Các thành viên Hội đồng trường có quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, tạo điều kiện và cùng phối hợp để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo tính khách quan, trách nhiệm xã hội.
d) Các quyết định của Hội đồng trường được thể hiện bằng nghị quyết. Thành viên Hội đồng trường được quyền phát biểu và bảo lưu ý kiến của mình, nhưng phải chấp hành nghị quyết của Hội đồng trường đã thông qua.
6. Hoạt động giám sát của Hội đồng trường
a) Hội đồng trường có nhiệm vụ tổ chức giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng trường và việc thực hiện Quy chế dân chủ trong các hoạt động của Trường.
b) Các hoạt động giám sát của Hội đồng trường được thực hiện thông qua các cơ chế: Báo cáo của Hiệu trưởng; thảo luận và chất vấn tại phiên họp của Hội đồng trường; thành lập các tổ công tác để giám sát theo chuyên đề đối với các vấn đề cần làm rõ.
c) Trong quá trình thực hiện kế hoạch hoạt động của Trường đã được Hội đồng trường phê duyệt, nếu phát hiện những hoạt động nằm trong phạm vi Hội đồng trường quyết định nhưng chưa được thông qua Hội đồng trường thì Chủ tịch Hội đồng trường yêu cầu Hiệu trưởng báo cáo và giải trình trước Hội đồng trường.
d) Các thành viên Hội đồng trường, Ban chuyên môn hoặc tổ công tác được giao nhiệm vụ giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng trường phải báo cáo Hội đồng trường về kết quả thực hiện trách nhiệm giám sát.
đ) Các hoạt động giám sát bao gồm:
– Giám sát toàn bộ hoạt động và thực hiện các quy chế, quy định của Trường; kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp trong quản lý, điều hành hoạt động của Trường, trong tổ chức công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính; thẩm định báo cáo tài chính định kỳ hoặc đột xuất, báo cáo đánh giá công tác của Hội đồng trường trong Hội nghị viên chức, người lao động hàng năm.
– Kiểm tra định kỳ các công việc quản lý, điều hành hoạt động của Trường khi cần thiết hoặc theo nghị quyết của Hội đồng trường.
– Kiểm tra đột xuất khi có yêu cầu hoặc có phản ánh từ các đơn vị, cá nhân về các sai phạm trong phạm vi giải quyết của Hội đồng trường; các Ban chuyên môn và tổ công tác của Hội đồng Trường thực hiện kiểm tra đột xuất trên cơ sở nghị quyết của Hội đồng trường. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ khi kết thúc kiểm tra, Ban chuyện môn, tổ công tác phải báo cáo, giải trình về những vấn đề được yêu cầu kiểm tra đến Hội đồng trường.
– Kiến nghị Hội đồng trường các biện pháp sửa đổi, bổ sung, cải tiến cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành hoạt động của Trường.
– Khi phát hiện Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng vi phạm nghĩa vụ của người quản lý phải thông báo ngay bằng văn bản tới Hội đồng trường để xem xét, yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả.
– Yêu cầu các cá nhân, đơn vị liên quan cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu minh chứng, thông tin phục vụ công tác giám sát.
- Cơ sở vật chất và ngân sách hoạt động của Hội đồng trường
a) Hội đồng Trường sử dụng cơ sở vật chất, con dấu và bộ máy tổ chức của Trường để triển khai các công việc của Hội đồng trường.
b) Ngân sách hoạt động thường xuyên, cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện làm việc và đi lại, phụ cấp chức vụ và tham gia các hoạt động khác của các thành viên Hội đồng trường và bộ máy giúp việc được đảm bảo từ nguồn thu sự nghiệp của Trường và thực hiện trong Quy chế tài chính, Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường và các quy định pháp luật liên quan khác.